Một số dạng sai khớp cắn ở trẻ có thể đến từ yếu tố di truyền trong khi một số khác bắt nguồn từ các tác nhân bên ngoài như chấn thương, các rối loạn mọc răng không do di truyền, các thói quen xấu như mút tay, đẩy lưỡi, thở sai cách như thở miệng khi ngủ, thói quen nuốt sai cách v.v.
Có rất nhiều phương pháp can thiệp niềng răng sớm cho trẻ (khi trẻ vẫn chưa thay răng hoàn toàn) như các khí cụ cố định, khí cụ tháo lắp (trẻ có thể tự tháo ra) hoặc với hàm Trainer (khí cụ cơ chức năng).
Một số trường hợp bác sĩ sẽ theo dõi mà chưa cần can thiệp. Trong một số trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ nhổ răng sữa của trẻ sớm để giúp các răng người lớn mọc lên đúng vị trí
Dù với phương pháp can thiệp hoặc không, việc phát hiện sớm các sai lệch khớp cắn sẽ giúp cho việc điều trị trở nên đơn giản hơn so với việc đợi cho trẻ thay răng hoàn toàn khi xương hàm đã phát triển gần như hoàn chỉnh.
Việc điều trị chỉnh nha sớm còn giúp cho trẻ ăn nhai, phát âm tốt hơn, dễ dàng vệ sinh răng miệng (giảm tỷ lệ sâu răng, viêm nướu), giúp xương hàm phát triển cân đối, hài hòa hơn, không chỉ cải thiện sức khỏe răng miệng mà còn nâng cao sức khỏe toàn thân cho trẻ. Khớp cắn đúng, nụ cười đẹp giúp trẻ tự tin hơn trong giao tiếp và học tập.
Do đó, thời điểm can thiệp điều trị đóng vai trò vô cùng quan trọng. Quý phụ huynh hãy nhớ “Timing is everything". Do đó đừng ngần ngại cho trẻ đến gặp nha sĩ khi quan sát thấy một trong các dấu hiệu sau hoặc trong khoảng độ tuổi từ 6-7 tuổi (theo khuyến cáo của hiệp hội chỉnh nha Hoa Kỳ AAO):
-
Thay răng sữa quá sớm hoặc quá trễ
-
Gặp khó khăn trong khi nhai, cắn
-
Thở miệng khi ngủ
-
Thói quen mút tay hoặc ngậm ty giả kéo dài
-
Đưa lệch hàm sang 2 bên hoặc ra trước khi há hoặc đóng miệng
-
Tiếng kêu ở khớp khi trẻ há, ngậm
-
Thường xuyên cắn môi, má
-
Bất hài hòa môi (môi nhô quá nhiều, không khép kín môi được), cằm (lệch cằm sang trái hoặc phải)