Sau một ngày làm việc vất vả, về đến nhà, bạn chỉ muốn ôm chầm lấy đứa con bé nhỏ và trao cho bé một nụ hôn. Tuy nhiên khi càng đến gần, bạn lại cảm nhận rằng hơi thở của bé có mùi hôi, điều này khiến tình huống trở nên không thật sự dễ chịu như bạn mong muốn.
Hơi thở có mùi hôi tưởng chừng chỉ gặp ở người lớn, tuy nhiên điều này vẫn xuất hiện thường xuyên ở trẻ em. Thế thì đâu là những nguyên nhân thường gặp dẫn đến tình trạng không hề dễ chịu này, chúng ta hãy cùng nha khoa Dr. Duy Dentistry tìm hiểu nhé.
ĐỊNH NGHĨA HÔI MIỆNG (HALITOSIS).
Theo hiệp hội nha khoa Hoa Kỳ (ADA), “hôi miệng” dùng để mô tả tình trạng hơi thở có mùi mạn tính. Hơi thở có mùi có thể đến từ trong khoang miệng, đường hô hấp hoặc đường tiêu hóa.
NGUYÊN NHÂN GÂY HÔI MIỆNG THƯỜNG GẶP Ở TRẺ:
Có rất nhiều nguyên nhân gây hôi miệng ở trẻ, một số nguyên nhân không đáng ngại và có thể dễ dàng loại bỏ, tuy nhiên một số khác cần phải có sự can thiệp của bác sĩ nha khoa. Chúng ta hãy cùng điểm qua một số nguyên nhân thường gặp sau đây:
-
Thức ăn nặng mùi:
Những thức ăn như hành, tỏi, phô mai, thức ăn có nhiều gia vị có thể gây ra hôi miệng do có chứa các hợp chất sulfur, chúng lưu giữ trong miệng nhiều giờ liền cũng như được hấp thu vào máu và đào thải thông qua hơi thở của trẻ. Hôi miệng do nguyên nhân này chỉ là tạm thời và sẽ biến mất sau khi thức ăn được thải trừ hoàn toàn ra khỏi cơ thể.
-
Hơi thở nặng mùi vào buổi sáng:
Hơi thở có mùi vào buổi sáng gặp ở người lớn cũng như trẻ em. Nguyên nhân là do nước bọt tiết ra rất ít vào ban đêm khiến lượng vi khuẩn có sẵn trong miệng của chúng ta không được rửa trôi bởi nước bọt. Tình trạng này sẽ được cải thiện rất nhanh sau khi trẻ súc miệng và chải răng.
-
Vệ sinh răng miệng kém:
Mảng bám (màng film mềm, dính, chứa vi khuẩn) tích tụ trong một thời gian đủ dài và không được làm sạch tại các vị trí như bề mặt răng, kẽ răng, bề mặt lưỡi. Vi khuẩn tích tụ sẽ sản sinh ra các hợp chất sulfur dễ bay hơi có mùi khó chịu. Tình trạng răng chen chúc, sai lệch khớp cắn cũng dễ gây tích tụ mảng bám và khó vệ sinh hơn, khiến hôi miệng trầm trọng hơn.
-
Thiếu vệ sinh lưỡi:
Một lần nữa, việc vệ sinh lưỡi trong lúc chải răng lại được đề cập, đa phần chúng ta rất thường bỏ sót việc vệ sinh bề mặt lưỡi. Nếu để ý quan sát, chúng ta sẽ thấy trên bề mặt lưỡi, đặc biệt là ở vị trí phía sau lưỡi thường sẽ có một lớp phủ màu trắng, đây chính là sự tích tụ lâu ngày của các mảng bám thức ăn, tế bào chết và các vi khuẩn tích tụ.
-
Các vấn đề, bệnh lý nha khoa:
Nếu trẻ có sâu răng, thức ăn có thể mắc kẹt và tích tụ trong các lỗ sâu, vi khuẩn sẽ tăng sinh tại các vị trí này gây ra hôi miệng.
Trẻ bị viêm nướu, áp xe (có mủ) tại nướu răng.
Các miếng trám hoặc các mão răng bị hở cũng gây lắng đọng mảng bám vi khuẩn.
-
Thói quen thở miệng khi ngủ:
Thở miệng khi ngủ làm khô miệng, khiến cho lượng vi khuẩn trong miệng không được rửa sạch, làm tình trạng hôi miệng trở nên trầm trọng hơn. Bên cạnh đó, việc thở miệng khi ngủ còn gây ra các vấn đề về sai khớp cắn cho trẻ, cần sớm được phát hiện và điều trị.
-
Viêm xoang, viêm amidan:
Viêm xoang, viêm amidan do vi khuẩn: dịch tiết từ xoang đi qua họng và tích tụ tại lưỡi hoặc vi khuẩn tích tụ trong amidan lâu ngày gây ra tình trạng hôi miệng.
-
Các vấn đề sức khỏe khác:
Các vấn đề về đường hô hấp (viêm phổi, hen suyễn v.v.), các bệnh lý về tiêu hóa như viêm dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản và các bệnh lý khác như tiểu đường, hiếm gặp hơn là các bệnh lý về gan, thận cũng có thể gây ra các vấn đề ở hơi thở ở trẻ.
LÀM SAO ĐỂ GIẢM HÔI MIỆNG Ở TRẺ:
Việc xác định đúng nguyên nhân gây hôi miệng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Trong phần lớn trường hợp, nguyên nhân gây hôi miệng ở trẻ đến từ việc vệ sinh răng miệng chưa đúng cách.
Do đó việc đưa trẻ đến khám với bác sĩ nha khoa mỗi 4-6 tháng để bác sĩ vệ sinh răng miệng cho trẻ với những dụng cụ chuyên dụng, giúp phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý như sâu răng, viêm nướu, các thói quen xấu và điều trị sai lệch khớp cắn sớm cho trẻ.
Những lưu ý giúp giảm hôi miệng ở trẻ:
-
Đảm bảo trẻ chải răng ít nhất 2 lần mỗi ngày trong ít nhất 2 phút mỗi lần
-
Sử dụng chỉ nha khoa, tăm nước sau khi ăn và trước khi đi ngủ để làm sạch thức ăn, mảng bám vùng kẽ răng
-
Vệ sinh lưỡi, đây là nơi tích tụ rất nhiều mảng bám, là nguyên nhân chính gây hôi miệng do quý phụ huynh cũng như trẻ thường không chú trọng việc này.
-
Việc ăn sáng, uống nước lọc buổi sáng giúp tăng tiết nước bọt, giúp làm sạch lượng vi khuẩn tích tụ trong miệng sau một giấc ngủ dài.
-
Nhắc nhớ trẻ uống nước nhiều lần trong ngày, súc miệng lại với nước sạch sau khi ăn.
-
Ăn nhiều thức ăn giàu chất xơ như rau xanh, trái cây như cà rốt, táo v.v. Các thực phẩm này giúp làm sạch mảng bám trong miệng, từ đó làm giảm hôi miệng.